Gốc > Chuyên đề: Phát triển năng lực > Lý thuyết >

Xác định mục tiêu các năng lực, phẩm chất trong dạy học môn Lịch sử- Địa lý

Thực hành soạn giáo án dạy bài " Biển, đảo Việt Nam" trong môn Lịch sử- Địa lý lớp 5 theo Chương trình PTTT 2018.

Chủ đề: Đất nước và con người Việt Nam

Bài: Biển, đảo Việt Nam (1tiết)

Lớp: 5

          1. Mục tiêu

          1.1. Về năng lực

          Bài học góp phần hình thành và phát triển các năng lực sau:

           - Năng lực đặc thù

          + Năng lực nhận thức khoa học Lịch sử và Địa lí: Nhận biết được vùng biển nước ta là một bộ phận của biển Đông, trên biển có các đảo, quần đảo. Xác định được vị trí địa lí vùng biển, một số đảo và quần đảo trên bản đồ.

          + Năng lực tìm hiểu Lịch sử và Địa lí: Trình bày được một số hiểu biết về công cuộc bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông trong lịch sử, có sử dụng tư liệu, tranh ảnh, câu chuyện liên quan…

          + Năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học: Biết sưu tầm, đọc và kể lại một số câu chuyện, bài thơ về biển đảo Việt Nam. Nêu được một số hành động nhằm bảo vệ môi trường, chủ quyền biển đảo.

          - Năng lực chung:

          + Năng lực tự học: Khai thác được tài liệu phục vụ cho bài học.

          + Năng lực giao tiếp và hợp tác: Làm việc nhóm có hiệu quả.

          + Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Biết sử dụng công cụ, phương tiện CNTT phục vụ bài học; biết phân tích và xử lí tình huống.

          1.2. Về phẩm chất

          Bài học góp phần hình thành và phát triển phẩm chất yêu nước, có trách nhiệm bảo vệ môi trường và chủ quyền biển đảo Việt Nam.

          2. Nội dung kiến thức và đồ dùng dạy học

          2.1. Nội dung kiến thức

          - Vị trí địa lí vùng biển, một số đảo và quần đảo Việt Nam.

          - Công cuộc bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông trong lịch sử.

          - Các biện pháp bảo vệ môi trường và chủ quyền biển đảo Việt Nam.

          2.2. Đồ dùng dạy học

          - Bản đồ địa lí tự nhiên Việt Nam.

          - Lược đồ khu vực biển Đông.

          - Tư liệu, tranh ảnh, câu chuyện liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam.

          - Một số bài hát, bài thơ, câu chuyện về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

          3. Phương pháp và kĩ thuật dạy học

          - Phương pháp nghiên cứu tài liệu.

          - Phương pháp phát vấn, thảo luận nhóm.

          - Phương pháp trò chơi

          4. Các hoạt động dạy học

          4.1. Hoạt động 1. Khởi động (3 phút)

          a. Mục tiêu

            Nhằm kích thích sự hứng thú, tìm hiểu về biển, đảo đất nước

          b. Phương pháp và phương tiện dạy học

          - Bài hát: Biển đảo tổ quốc em

          c. Cách thức tiến hành

          - GV cho học sinh nghe một bài hát : Biển đảo tổ quốc em

          - GV hỏi học sinh:

          Em có cảm nhận như thế nào sau khi nghe bài hát?

          HS nêu cảm nhận của bản thân.

          GV dẫn dắt vào bài học:

          Biển, đảo nước ta thật đẹp. Biển, đảo nước ta có vị trí như thế nào và có tầm quan trọng ra sao, ông cha ta đã làm gì để giữ gìn và bảo vệ chủ quyền biển đảo?  Mời các em sẽ tìm hiểu trong bài học ngày hôm nay.

          4.2. Hoạt động 2. Hình thành kiến thức mới

          Nội dung 1. Vị trí địa lí vùng biển, một số đảo và quần đảo Việt Nam (7 phút)

          a. Mục tiêu

Nhận biết được vùng biển nước ta là một bộ phận của biển Đông, trên biển có các đảo, quần đảo.

Xác định được vị trí địa lí vùng biển, một số đảo và quần đảo trên bản đồ.

          b. Phương pháp và phương tiện dạy học

          - Phương pháp nghiên cứu tài liệu.

          - Phương pháp thảo luận nhóm.

          - Đồ dùng dạy học:  Bản đồ địa lí tự nhiên Việt Nam. Lược đồ khu vực biển Đông. Phụ lục thông tin về biển, đảo Việt Nam.

          c. Cách thức tiến hành

 - Bước 1. GV tổ chức cho HS dựa vào bản đồ, lược đồ và làm việc theo nhóm  4 để thực hiện các nhiệm vụ học tập.

 + Nhiệm vụ 1: Đọc thông tin về biển, đảo Việt Nam để nhận biết được vùng biển nước ta là một bộ phận của biển Đông, trên biển có các đảo, quần đảo.    

   GV phát phiếu yêu cầu HS:

Hãy đọc thông tin về biển đảo Việt Nam.

Kể tên một số đảo và quần đảo lớn của Việt Nam.

+ Nhiệm vụ 2: Chỉ vị trí vùng biển Việt Nam trên lược đồ khu vực biển Đông. Chỉ vị trí một số đảo, quần đảo của Việt Nam trên bản đồ ( quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, các đảo Phú Quốc, đảo Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, ….)

    GV giao nhiệm vụ cho các nhóm:

Hãy chỉ vị trí của vùng biển Việt Nam trên bản đồ.

Hãy chỉ vị trí  và nêu tên một số đảo và quần đảo của nước ta.

- Bước 2. HS tiến hành đọc thông tin để nhận biết được vị trí của biển, nêu tên một số đảo và hai quần đảo  của Việt Nam. GV theo dõi và hướng dẫn thêm cho HS.

- Bước 3. GV gọi đại diện nhóm HS lên bảng trình bày kết quả. Các HS khác nhận xét bổ sung.

- Bước 4.

GV nhận xét phần trả lời của các nhóm.

GV vừa nói vừa chỉ trên lược đồ chốt lại vị trí địa lí của vùng biển nước ta, vị trí một số đảo và quần đảo lớn của VN.

          d. Sản phẩm và công cụ đánh giá

          - Sản phẩm: Kết quả làm việc của các nhóm và phần trình bày, nhận xét của các nhóm:

          + Những hiểu biết về Biển Đông, vùng biển  và đảo, quần đảo của nước ta

          + Chỉ vị trí của biển Đông, vùng biển và Đảo của nước ta trên bản đồ.

          + Chỉ vị trí và nêu tên một số đảo và quần đảo: Phú Quốc, Cồn Cỏ, Cát Bà, đảo Bạch Long Vỹ, … ; quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa.

          - Công cụ đánh giá: qua quá trình quan sát làm việc nhóm, sản phẩm của nhóm và phần trình bày kết quả

Nội dung 2. Công cuộc bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông trong lịch sử. (10 phút)

a. Mục tiêu

Trình bày được vai trò của vùng biển, đảo, quần đảo nước ta; công cuộc bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông trong lịch sử, có sử dụng tư liệu, tranh ảnh, câu chuyện liên quan…

b. Phương pháp và phương tiện dạy học

- Phương pháp quan sát.

- Phương pháp thảo luận nhóm.

- Đồ dùng dạy học:  Phim tư liệu, tranh, bài hát, câu chuyện về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

c. Cách thức tiến hành: Có 2 hoạt động nhỏ

HĐ 1: Tìm hiểu vai trò của biển, đảo

          GV tổ chức cho HS hoạt động theo nhóm 4.

          HS trao đổi và thảo luận trả lời các câu hỏi trong phiếu học tập.

 

PHIẾU HỌC TẬP

Câu 1: Nêu vai trò của biển Đông.

…………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………

                Câu 2: Nêu vai trò của các đảo và quần đảo.

…………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………

 

 

 

 

 

 

 

 

- HS tiến hành thực hiện nhiệm vụ, GV quan sát và hướng dẫn HS trong quá trình thảo luận.

- GV gọi đại diện nhóm HS lên bảng trình bày kết quả. Các HS khác nhận xét bổ sung.

- GV chốt lại về vai trò của biển, đảo và khẳng định đó chính là nguyên nhân của sự tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên biển Đông của các quốc gia khác đối với chúng ta

HĐ 2: Tìm hiểu công cuộc bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông trong lịch sử.

          GV nhắc lại nhiệm vụ đã giao cho HS tiết học trước: Tìm hiểu về luật biển, lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

GV cho HS chia sẻ hiểu biết về Luật biển 1982, công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam  trong nhóm.

HS tiến hành thực hiện nhiệm vụ, GV quan sát và hướng dẫn HS trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

GV gọi đại diện nhóm HS lên bảng trình bày kết quả. Các HS khác nhận xét bổ sung.

GV nhận xét và chính xác hoá nội dung học tập. GV cung cấp thêm thông tin về Luật biển  1982 quy định vùng viển Việt Nam và lịch sử bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta qua một số thông tin, đoạn phim tư liệu chọn lọc.

          d. Sản phẩm và công cụ đánh giá

          - Sản phẩm: Kết quả làm việc của các nhóm  và phần trình bày, nhận xét của các nhóm:

          + Trình bày đúng vai trò của biển, đảo

          + Các thông tin về lịch sử đấu tranh giữ vùng biển, đảo nước ta ( phụ lục  2,3).

          - Công cụ đánh giá: qua quá trình quan sát làm việc nhóm, sản phẩm của nhóm và phần trình bày kết quả

Nội dung 3.  Các biện pháp bảo vệ môi trường và chủ quyền biển đảo Việt Nam (8 phút)

a. Mục tiêu

          Hình thành và phát triển phẩm chất yêu nước, có trách nhiệm bảo vệ môi trường và chủ quyền biển đảo Việt Nam.

b. Phương pháp và phương tiện dạy học

- Phương pháp vấn đáp

- Phương pháp thảo luận nhóm.

c. Cách thức tiến hành

          - Bước 1. GV tổ chức cho HS trao đổi các biện pháp để bảo vệ môi trường biển và chủ quyền biển đảo Việt Nam.

+ Chia sẻ hiểu biết của cá nhân về các biện pháp để bảo vệ môi trường biển và chủ quyền biển đảo Việt Nam.

+ Thảo luận và thống nhất trong nhóm về các biện pháp để bảo vệ môi trường biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

- Bước 2. HS tiến hành thực hiện nhiệm vụ, GV quan sát và hướng dẫn HS trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

- Bước 3. GV gọi đại diện nhóm HS lên bảng trình bày kết quả. Các HS khác nhận xét bổ sung.

- Bước 4. GV chốt lại các biện pháp để bảo vệ môi trường biển và chủ quyền biển đảo Việt Nam.

          d. Sản phẩm và công cụ đánh giá

          - Sản phẩm: Kết quả làm việc của các nhóm  và phần trình bày, nhận xét của các nhóm:

          + Trình bày các biện pháp bảo vệ môi trường biển, chủ quyền biển đảo

          + Kết quả hoạt động nhóm

          - Công cụ đánh giá: qua quá trình quan sát làm việc nhóm, sản phẩm của nhóm và phần trình bày kết quả

Hoạt động 3: Trò chơi: Ai nhanh hơn? ( 5 phút)

a. Mục tiêu

Biết sưu tầm, đọc và kể lại một số câu chuyện, bài thơ về biển đảo Việt Nam.

b. Phương pháp và phương tiện dạy học

- Phương pháp  trò chơi

c. Cách thức tiến hành

- Chia lớp thành 3 nhóm.

- Phổ biến luật chơi: Các nhóm nhận phiếu, viết tên các bài thơ hoặc bài hát viết về biển, đảo của Việt Nam. Quy định thời gian 5 phút, nhóm nào viết được nhiều bài thơ là nhóm thắng cuộc.

Các nhóm trình bày kết quả

Tổ trọng tài kiểm tra.

Nhận xét, tuyên dương nhóm làm tốt.

          d. Sản phẩm và công cụ đánh giá

          - Sản phẩm có thể là các bài hát, bài thơ về các nội dung đã tìm hiểu.

- Công cụ đánh giá: Phiếu học tập của HS


Nhắn tin cho tác giả
Uông Thị Duyên @ 05:38 25/10/2019
Số lượt xem: 22692
Số lượt thích: 2 người (Trần Đông Sơ, Nguyễn Thị Lệ Trung)
 
Gửi ý kiến